Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Chim Trĩ Đỏ Khang Cổ

Chim Trĩ đỏ khoang cổ là loài chim thuộc Họ Trĩ (Phasianidae). Khi trưởng thành con đực có màu lông sáng, đầu và cổ con đực có màu xanh nhạt với 1 khoang trắng rõ rệt xung quanh vùng cổ, giữa ngực là 1 màu đỏ tía đậm, các vùng bên cạnh có màu sáng hơn, hai bên sườn có màu vàng nhạt (vàng tái) với các vết đen trên diện rộng, lông đuôi có màu vàng oliu với các sọc ngang rộng màu đen. Con cái có nhiều vết đốm rõ rệt, các lông cổ màu nâu và đen kẻ sọc quanh chỏm đầu, với các đường viền có màu hạt dẻ, phần lông phía sau lưng và ngực có màu lốm đốm, phần giữa có màu nâu đen, vùng bụng có màu nâu nhạt. Các lông đuôi rất rõ rệt với các đường gợn sóng dày khít có màu vàng sẫm và đen. Chim trĩ non rất khó phân biệt trống mái, đến hơn 3 tháng mới phân biệt được dựa vào màu lông.Chim Trĩ có sức sống, khả năng thích ứng cao, sống được ở nhiệt độ từ - 320C đến 46oC.Trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng rất cao nên ít mắc bệnh.Ngoài 8 tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng, mỗi con mái trưởng thành trong một năm có khả năng đẻ 90 – 100 quả trứng.Chim trĩ đỏ không còn nhớ bản năng ấp trứng, ấp bằng máy hoặc cho gà ấp. Những hộ nuôi ít thì thường cho gà ấp hộ, tỉ lệ ấp nở thành công tới hơn 75%. Nếu được ăn đầy đủ, thêm côn trùng, mỗi con trĩ đỏ mái có thể đẻ đến hai trứng mỗi ngày. Nếu dùng máy ấp nhân tạo với các thông số độ ẩm, nhiệt độ phù hợp thì có thể cho tỉ lệ nở 80 – 85 %.
Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật nghiên cứu tổng kết tại trang trại của Cty CP thực phẩm tiêu chuẩn GAP như sau:  
-         Sản lượng trứng/mái/mùa sinh sản : 90 – 100 quả
-         Tỷ lệ trứng giống(%) : 92 – 95%
-         Tỷ lệ phôi (%) : 93 – 95%
-         Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp (%) : 75 – 80%
-         Tỷ lệ nuôi sống (%) : 85%
-         Thức ăn bình quân giai đoạn đẻ : 60g – 70g/con/ngày
-         Chim Trĩ đỏ khoang cổ thương phẩm (nuôi 16 tuần tuổi):Tỷ lệ nuôi sống (%) : 80 - 85%; Khối lượng cơ thể: 1,1-1,3 kg/con; Tiêu tốn thức ăn/kg tăng k.lượng cơ thể: 4,8-5,0 kg.
Giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh
Thịt trĩ có hàm lượng protein cao lên tới 30% cao hơn hẳn hàm lượng protein trong thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cừu, giàu các vitamin A, C, B1, B2, B3, B6, B12, E, hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol thấp, chứa các amino axit thiết yếu cơ thể con người, trong đó có nhiều amino axit không tổng hợp được trong cơ thể, và giàu nguyên tố vi lượng thiết yếu như germanium (Ge), selenium (Se), kẽm (Zn), sắt (Fe), canxi (Ca). Trong y học cổ truyền, thịt chim trĩ được sử dụng như một vị thuốc, tính vị ngọt, bình. Công hiệu: bổ trung ích khí, tư bổ gan thận, chữa tiêu chảy, chủ trị tỳ vị hư yếu, ít ăn,… Thịt trĩ còn được dùng làm bài thuốc cho phụ nữ sau khi sinh: băng huyết, thiếu máu, suy nhược sau sinh, sa tử cung, và dạ dày, dùng làm thức ăn tăng cường sức khỏe cho người già, hồi phục sức khỏe sau bệnh, dùng cho trẻ em suy dinh dưỡng. Thường xuyên ăn thịt chim trĩ có tác dụng chống suy nhược thần kinh, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vành, bệnh tim phổi và có thể điều trị ngăn ngừa bệnh ung thư (theo Đại học Y của Trung Quốc). 
Giá trị nuôi chim cảnh

Việc nuôi chim cảnh đối với loài trĩ này hiện đang là một nhu cầu chắc chắn không nhỏ. Do tính chất quý hiếm và nhờ "ngoại hình" rất đẹp của chúng, nên hiện tại một phần nhỏ chim trĩ được nuôi làm cảnh trong các khu biệt thự cao cấp, các khách sạn, dùng làm trưng bày ở các triển lãm, hội nghị, còn phần lớn chim trĩ cung cấp cho các khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn Quốc gia, khu du lịch sinh thái. Chim trĩ có thể được dùng làm quà tặng, quà biếu cao cấp, sang trọng, lịch sự vào các dịp lễ Tết, lễ hội, khánh thành, liên hoan,…

Kỹ Thuật Nuôi Chim Trĩ

Chăm sóc chim qua các thời kỳ sinh trưởng :
Nuôi chim con ( giai đoạn từ 1- 3 tháng tuổi ):
Chim được nuôi trong lồng nhỏ bằng lưới mắt cáo, Sử dụng bóng điện hoặc đèn sưởi đám bảo nhiệt độ 25 -270C. Không nuôi chim con tại nơi có gió lùa, mưa tạt. Che đậy cẩn thận để đảm bảo an toàn cho chim khỏi các vật nuôi khác tấn công: Chó ,mèo , chuột. Khu vực nuôi thường xuyên được khử trùng định kỳ tối thiểu 15- 20 ngày/ lần.
Thức ăn : sử dụng loại cám viên dùng cho gà con, sử dụng loại máng ăn, uống tự chế hoặc máng dùng cho gà miễn sao đảm bảo vệ sinh. Nên cho lượng cám và nước vừa đủ, khi chim ăn hết nhấc máng ra vệ sinh và thay nước mới, Tránh để nước lưu lại sang ngày thứ 2.
Nuôi chim trưởng thành:
Chim được nuôi trong lồng lớn sử dụng thức ăn dành cho gia cầm trưởng thành, gia cầm sinh sản ( cám gà đẻ ) kết hợp với thóc theo tỉ lệ 40 % cám + 60% thóc trong khẩu phần thức ăn. Ngoài ra kết hợp cho ăn thêm các loại rau xanh: rau muống, rau lang, thân cây chuối thái nhỏ ...
Trong quá trình nuôi đàn thường xảy ra hiện tượng chim cắn, mổ nhau: Vị trí mổ thường tập chung vào mắt, đỉnh đầu hoặc lỗ huyệt. Để hạn chế việc này ta có thể sử dụng 1 số phương thức sau :
+ Tách riêng cá thể chim bị cắn, hoặc chim cắn ra khỏi chuồng nuôi từ 3-5 ngày, sau đó thả lại bình thường.
+ Cho ăn bổ sung thêm 1 số khoáng chất: Ca , Zn. Có thể sử dụng loại thuốc chống cắn, mổ bán tại các tiệm thú y để pha vào thức ăn cho chim.
+ Cắt bớt phần mỏ dưới của chim (đây là biện pháp bắt buộc trong quy trình nuôi công nghiệp theo quy mô lớn ). Việc cắt mỏ dưới của chim không làm ảnh hưởng đến ngoại hình ( vì phần mỏ dưới bị che khuất ), không ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của chim trống. Ngoài ra việc cát mỏ còn loại bỏ được nguyên nhân ăn trứng của chim.
+ Chất độn chuồng: 
Yêu cầu chất độn chuồng phải có khả năng hút ẩm, có thể dùng phôi bào, trấu, rơm rạ băm nhỏ. Lưu ý chất độn phải được phơi khô không có mùi mốc, phun sát trùng. Cần có cát, sỏi bổ sung trong nền chuồng để có thể tắm hoặc ăn. 

Chọn chim giống
Chọn những con nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập, khối lượng 20 - 23g là đạt yêu cầu. Loại ngay những con khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn, bụng nặng, lông bết.
Nhiệt độ, ẩm độ và thông thoáng
Hai tuần đầu tiên chim không tự điều chỉnh thân nhiệt một cách hoàn hảo, do đó các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh khi ẩm độ môi trường lên cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng của chim. Thời điểm khi chim xuống chuồng nên để nhiệt ở 350C, sau nhiệt độ được giảm dần xuống 300C khi chim được 3 tuần tuổi.
Từ tuần tuổi thứ 2 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở chim để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp. Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ: Nếu thấy chim tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt, chim bị lạnh. Nếu chim tản ra xa nguồn nhiệt, kêu, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ. Nếu chim tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần che kín hướng gió thổi. Khi đủ nhiệt, chim vận động ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều lồng úm.
Chim con cần chiếu sáng 24/24 giờ trong 4 tuần đầu, sau 5 – 9 tuần giảm thời gian chiếu sáng đến 16h, từ tuần thứ 7 – 9 lợi dụng ánh sáng tự nhiên, đảm bảo cường độ ánh sáng 3W/m2 là đủ. 

 Nước uống
Nước là nhu cầu đầu tiên của chim khi mới xuống chuồng. Cần cung cấp nước sạch, tốt nhất là pha thêm 5g đường Glucoz và 1g Vitamin C/lít nước cho những ngày đầu, nước uống cho chim không được lạnh tốt nhất là hơi ấm 18 – 210C trong vài ngày đầu.
Sử dụng chụp nước tự động bằng nhựa 0,6 – 0,8 lít/50 chim non. Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho chim dễ tiếp cận và không bị máng ăn che khuất. Tuân thủ cho chim uống nước trước, sau 2 – 3 giờ mới cho thức ăn.
Thức ăn và kỹ thuật cho ăn
Thức ăn của trĩ là cám tổng hợp, ngô xay, thóc, đậu tương, rau xanh, cỏ, ...
          Ngoài 2 tháng có thể cho trĩ tập ăn thóc bằng cách trộn 10 – 20 % vào khẩu phần ăn. Ở giai đoạn 5 – 8 tháng có thể trộn đến 50 - 60 % thóc vào khẩu phần ăn.
Nhu cầu dinh dưỡng cho Chim Trĩ nuôi thịt có thể tham khảo qua bảng 2.
Sau khi chim được uống nước 2 – 3 giờ thì mới cho ăn, thường cho ăn theo bữa. Thức ăn được trải đều vào nhiều khay tuỳ thuộc quy mô đàn để tránh sự tranh giành thức ăn giữa các con trong đàn. Chỉ nên cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, một ngày đêm cho ăn 9 – 10 lượt để thức ăn luôn mới thơm, hấp dẫn tính ngon miệng và tránh lãng phí.
Thức ăn được phối chế cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của chim trong từng giai đoạn. Khẩu phần ăn có thể phối chế đa nguyên liệu, sử dụng thức ăn bổ sung động vật, thực vật, Premix khoáng vi lượng và Vitamin. Không sử dụng các nguyên liệu bị mốc, nhiễm độc tố Afratoxin hoặc bột cá mặn (có hàm lượng muối cao). Khẩu phần thức ăn được cân đối đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn nuôi, thức ăn phối chế đa nguyên liệu, sử dụng đạm nguồn gốc động vật, thực vật, Premix Vitamin, khoáng vi lượng vv. Dùng đậu tương phải rang chín chim mới tiêu hoá được, nếu chín không đều chim ăn vào sẽ bị rối loạn tiêu hoá.
Thời kỳ đẻ trứng và kỹ thuật ấp nở :
Chim trĩ giống bình quân sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi có thể đẻ trứng .
Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch, Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2 đến khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 -80 trứng. Ngoài ra số trứng , thời gian đẻ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn, và quản lý vật nuôi. Nếu cho ăn tăng lượng đạm động vật, canxi cho chim trĩ đẻ 2 quả / ngày hoặc đẻ quanh năm theo ý thích của người nuôi. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp khai thác trứng chim trĩ làm thương phẩm. Việc nhân giống chim không nên áp dụng, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chim bố mẹ cũng như chất lượng con giống sinh ra. Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng, chim thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo ta phải dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim.
Mật độ
Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng trại, khí hậu mà quyết định mật độ đàn nuôi.
Nuôi trên lồng: 1 – 4 tuần tuổi: 30 – 40 con/m2
Nuôi trên nền sàn: sử dụng chất độn chuồng, có sân chơi: 5 – 9 tuần : 6 – 15 con/m2; 10 – 16 tuần tuổi : 3 – 5 con/m2 
Vệ sinh phòng bệnh
Kiểm tra đàn chim dựa trên các đặc điểm hàng ngày như sau:
-         Lắng nghe âm thanh bất thường hoặc thiếu vắng âm thanh hàng ngày.
-         Trạng thái đàn chim (uể oải hay hung hăng).
-         Quan sát phân, mùi phân…

Trong chuồng chỉ nuôi chim không nuôi chung với các động vật khác. Định kỳ diệt trừ các loài động vật gặm nhấm, chim hoang và côn trùng có hại khác.

Kỹ Thuật Chăm Sóc Chim Trĩ Mới Nở

7 Nguyên tắc khi úm chim trĩ non :
1. Luôn luôn phải đảm bảo nhiệt độ 37 - 38 độ C (24/24) trong lồng úm để giữ nhiệt ấm cho chim: Trong trường hợp mất điện cần có phương án thay thế kịp thời (Ví dụ: Máy phát điện, Ăc quy,... để thắp bóng điện sưởi, hoặc tăng thêm độ dày của sàn lót, thu nhỏ quây lồng úm,....). Đây là phần khó nhất và cũng là phần quan trọng nhất trong kỹ thuật úm chim non.

2. Định kỳ kiểm tra tình hình chim thường xuyên: Người nuôi cần chú ý định kỳ tối thiểu 1 - 2 tiếng/lần phải kiểm tra chim 01 lần tránh tình trạng lồng úm quá nóng, thiếu bóng điện hoặc quá nhiều bóng để có thể điều chỉnh bóng đèn sưởi, thiếu không khí, bị gió lùa, hết nước, chim dẫm đạp lên nhau, cắn mổ nhau...

3. Luôn luôn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thức ăn, nước uống: Hệ tiêu hóa của chim trĩ non rất yếu (yếu hơn rất nhiều so với gà) do vậy rất nhạy cảm với môi trường thiếu vệ sinh dẫn đến chim đau bụng và chết không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu của hiện tượng này là chim bị đi ỉa, ướt đít,.. Do vậy thức ăn cho chim mới nở cần ăn có hàm lượng đạm thấp (nên trộn thêm cám ngô, cám gạo, đậu tương rang chín nghiền sẵn cho chim ăn), nước uống đun sôi để nguội, tìm cách không cho chim dẫm đạp vào máng uống bằng cách bỏ những viên sỏi (tuyệt trùng) vào khe máng uống.

4. Phải giữ môi trường không khí sạch và tránh tiếp xúc với khuẩn lạ:  Khuẩn lạ thường đi theo khách xem chim, từ những vật nuôi gia cầm xung quanh, hoặc từ chim tự nhiên bay tới... Do vậy, cần hạn chế tối đa người ra và xem chim non, với người chăm sóc chim non cần cắt cử 01 người chuyên biệt và phải có trang phục riêng mỗi khi vào chăm chim non, không để người chăm chim ở chuồng khác vào khu vực úm chim non,...

5. Làm thuốc phòng đúng lịch và đúng cách: Việc làm thuốc đúng lịch cho chim là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ làm làm thuốc phòng khi chim khỏe mạnh và nhanh nhẹn thì mới có tác dụng và hiệu quả, ngược lại nếu không chim sẽ chết sau khi làm thuốc. Nếu tình trạng sức khỏe của chim không tốt cần tìm cách cải thiện sức khỏe cho chim, hoặc những con chim có bệnh cần chữa bệnh cho chim trước rồi làm thuôc phòng dịch. Trong trường hợp nguy cấp cần kết hợp vừa chữa bệnh và phòng dịch. Cần tham khảo thêm từ các Bác sỹ thú y có kinh nghiệp về gia cầm tại địa phương.

6. Hạn chế vận chuyển, di chuyển chim non từ 2 ngày đến 30 ngày tuổi, đặc biệt là tránh mang chim ở giai đoạn này đi quá xa: Việc vận chuyển chim non đi xa chỉ nên làm đối với chim mới bóc trứng (kỹ thuật khá phức tạp, chỉ những người chuyên chim con gà con mới giảm thiểu được chết và hao hụt khi vận chuyển đi xa đối với chim bóc trứng), còn nếu chim con đã cho ăn và cho uống không nên vận chuyển vì chim sẽ bị sóc bụng và ảnh hưởng tới tiêu hóa. Với chim sau 1 tháng tuổi trước khi chuyển phải cho uống thuốc trước khi đem đi, sau khi về tới trại mới cũng cần bộ trợ thêm thuốc để chim không bị ngã nước hoặc sinh bệnh.

7. Tách riêng và phần chia dàn: Những con nhiễm bệnh nhốt riêng để tránh lây lan từ những con bị bệnh san con không bị, và nới rộng lồng úm hoặc tách đàm theo thời gian chim lớn dần để tránh mổ nhau, cắn nhau. Đồng thời những con bị bệnh cần xác định các bệnh và điều trị kịp thời.

Kỹ Thuật Làm Chuồng Nuôi Chim Trĩ

1/ Yêu cầu chung về chuồng trại:
Vị trí chuồng nuôi phải chọn nơi cao ráo, thoáng mát, cách xa các trại nuôi gia súc, gia cầm khác nhằm hạn chế tối thiểu mức rủi ro do lây nhiễm chồng chéo.
Chuồng trại phải đảm bảo giữ ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng phải bằng phẳng, tiện cho công tác dọn vệ sinh, rải chất độn chuồng bằng trấu có thể trộn với cát được phơi khô đã được phun khử trùng. Mặt khác phải đảm bảo thực hiện được biện pháp an toàn sinh học.
          Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2- 3 lần / tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ.
Tuỳ mục đích, quy mô sản xuất bà con có thể lựa chọn cách thiết kế chuồng trại sao cho phù hợp nhất với điều kiện sẵn có mà vẫn đảm bảo được yếu tố kỹ thuật trong việc quản lý và chăm sóc chim

2/ Chuẩn bị dụng cụ và chuồng nuôi
Trước khi đưa chim vào nuôi dù quy mô lớn hay nhỏ cần phải chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như: lồng úm, chụp sưởi, máng ăn, máng uống, chất độn chuồng, tiêu độc khử trùng và chọn người nuôi.
-         Mật độ nuôi úm trong chuồng nhỏ: Chim 0 – 30 ngày tuổi : 40 - 15 con /m2
-         30 – 60 ngày tuổi : 12 – 6 con / m2
-         60 – 90 ngày tuổi : 4 – 2 con /m2
-         Sau 90 ngày tuổi có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 – 2 con/m2.
-         Lồng úm nuôi giai đoạn 1 – 4 tuần tuổi:
-         Lồng úm và dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi đưa chim vào nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch, tường, nền được quét nước vôi đặc nồng độ 40%. Sau đó để khô phun tiêu độc bằng các loại thuốc sát trùng 2 – 3 lần.
-         Hầu hết các kiểu úm gia cầm đều phù hợp cho việc úm chim Trĩ.
-         Trong thời gian úm, để tập trung nguồn nhiệt tránh gió lùa sử dụng lồng úm với chiều cao 40 – 50 cm; chiều dài 1,0 – 1,2 m; chiều rộng 0,7 – 0,9 m. Xung quanh được đóng bằng gỗ ép hoặc cót ép, phía trên làm bằng lưới ô nhỏ để tránh chim bay, cửa lồng có thể nằm ở phía trên tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Lồng này dùng để úm chim non trong 28 – 30 ngày đầu, mỗi lồng như vậy có thể úm từ 50 – 80 chim.
+ Chuồng nuôi giai đoạn 5 – 12 tuần tuổi:
Giai đoạn này chim Trĩ được nuôi thả ra nền chuồng bê tông để rải trấu với độ dày 5 – 8 cm, có khu đổ cát để chim tắm cát. Chim Trĩ được thả ra ngoài nhằm cho chim vận động, nhưng phải có lưới quây để cho chim khỏi bay đi. Bên ngoài lớp lưới của sân chơi có thể phủ lên những cành cây giúp cho môi trường sống giống với các điều kiện tự nhiên. Giai đoạn này một chim cần 0,5 m2 tổng diện tích sàn bên trong chuồng nuôi, và 2 m2 diện tích nền bên ngoài được dùng cho việc vận động. Sau quá trình ấp, chim trĩ có thể được nuôi khép kín, nhưng cần thiết phải có nơi cư trú đầy đủ. Sân chơi được rào kín bằng lưới để ngăn chim thoát ra ngoài. Để ngặn chặn việc bay mất, kẹp lông cánh khi chúng 4 tuần tuổi hoặc cắt lông cánh ngay ban đầu. Chim trĩ rất dễ kích thích và bay rất tốt, vì vậy chúng nên được nhốt trong chuồng nuôi hoặc các bãi rào được bao bọc cẩn thận. Nếu chúng có thể thoát ra ngoài sau khi sợ hãi, chúng có thể bay rất xa và mất.
 + Giai đoạn sau 12 tuần tuổi:
          Ở giai đoạn này có thể đưa chim ra chuồng lớn với mật độ nuôi 1 – 2 con/m2. Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim. Nếu tốn kém trong việc chia chuồng ra nhiều ô nhỏ thì có thể chọn phương án nuôi tập trung (quần thể). 
Tường vây có thể xây hoặc dùng lưới B40, lưới mắt cáo. Trên nóc sử dụng các loại tấm lợp proximăng hoặc vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương, miễn sao đảm bảo chim không thoát ra ngoài.
Nền chuồng được rải một phần hoặc toàn bộ cát, sử dụng loại cát vàng, để chim tắm cát và làm ổ đẻ. Phần còn lại có thể sử dụng bằng nền betông, hoặc trồng cỏ trong khoảng sân chơi.
Mái che có thể lợp toàn phần hoặc bán phần miễn sao đảm bảo thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông.
Lưu ý: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2-3 lần/tuần. Phun thuốc khử trùng định kỳ 1 lần/tuần, tăng cường khi có dịch hoặc khí hậu ẩm ướt. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi nilon trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến thủng diều, chết.
-         Làm chuồng cho chim lớn :
Nên chia chuồng thành nhiều ô khác nhau để tiện cho công tác quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chim:
Nếu làm chuồng mới để nuôi chim sinh sản có thể thiết kế theo khung cơ bản sau :
Rộng 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 – 2,8 m .

Với diện tích ô chuồng này có thể nuôi được 20 -25 cá thể chim bố mẹ sinh sản, hoặc 30 - 40 cá thể chim hậu bị.

Các Bệnh Thường Gặp Ở Chim Trĩ

1. Bệnh Newcastle 
-         Đặc điểm chung
Do virút gây ra, là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với gia cầm và chim. Lây lan nhanh, mạnh. Gây ốm và chết nhiều ở mọi lứa tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm. Không thể chữa bằng thuốc, chỉ có thể phòng bằng vacxin.
-         Đường lây lan:
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hoá. Do tiếp xúc giữa những con ốm và con khoẻ; bụi, gió và không khí có mầm bệnh; phương tiện vận chuyển, thức ăn nước uống nhiễm mầm bệnh; dụng cụ chăn nuôi thú y nhiễm mầm bệnh; công nhân chăn nuôi, khách thăm quan đến từ vùng có bệnh; động vật, chim mang mầm bệnh.
-         Triệu chứng:
Chim ủ rũ mào thâm, ăn ít, chảy nhớt dãi, diều căng, đầy hơi. Khó thở kèm theo tiếng kêu “tóc – tóc” nhất là ban đêm. Tiêu chảy, phân loãng có màu trắng, xanh. Chim ốm chết nhiều. Con sống sót để lại di chứng thần kinh, nghẹo cổ, đi vòng quanh, mổ thức ăn không chính xác.
-         Bệnh tích
Xuất huyết ở lỗ huyệt, thanh khí quản có nhiều dịch nhầy và xuất huyết. Dạ dày tuyến xuất huyết và loét. Thành ruột xuất huyết và loét hình cúc áo. Van hồi manh tràng xuất huyết.
-         Biện pháp phòng trị: 
+ Phòng bệnh: không nên nuôi chung các lứa tuổi. Đảm bảo chuông nuôi, thức ăn, nước uống sạch sẽ ăn uống đủ chất đủ lượng. Biên pháp hữu hiệu nhất là sử dụng vacxin phòng bệnh. Lasota trong thời gian úm 1 tháng, tiêm Newcastle lần 1 vào tháng thứ 2, lần 2 vào tháng 4, lần 3 vào cuối tháng thứ 7).
+ Điều trị bệnh:
Khi có bệnh Newcastle xảy ra nên thông báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở. Dùng vacxin cho những đàn chưa mắc bệnh, bổ xung thuốc bổ tăng sức đề kháng cho đàn chim. Cách ly đàn chim ốm, đốt xác chim ốm, chết hoặc chôn rồi rắc vôi bột. Không bán chạy chim ốm. Không được đến thăm các nơi nuôi chim khác. Sát trùng chuồng nuôi, sân thả chim, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh hàng ngày. Thu dọn chất thải phân đem đốt hàng ngày. Rắc vôi bột để cách ly chuồng nuôi với khu vực xung quanh và rắc ở lối ra vào chuồng nuôi.   
2/ Cúm A/H5N1
Tiêm chủng theo lịch của thú y địa phương. 
3/Bệnh tụ huyết trùng
- Đặc điểm của bệnh: 
Bệnh do vi khuẩn gây nên, chim các lứa tuổi đều mắc. Bệnh gây chết nhanh và nhiều trong cùng một thời gian. Bệnh hay tái phát trong cùng một khu vực. Có thể phòng bằng vacxin và điều trị bằng kháng sinh.
- Đường lây lan: 
Qua đường tiêu hoá, hô hấp, do thức ăn nước uống nhiễm mầm bệnh, do tiếp xúc giữa con ốm với con khoẻ. 
-         Triệu chứng: 
Tuỳ thuộc vào mức độ gây bệnh mà mầm bệnh có thể phát ra nhanh hay chậm. Trường hợp bệnh cấp tính: Chim chết đột ngột, đang đi lăn đùng ra chết. Chết khi đang nằm trong ổ đẻ. Trường hợp bệnh mãn tính: chim ủ rũ, bỏ ăn đi lại chậm chạp, nước nhầy chảy ra từ miệng, đôi khi lẫn máu, tích tím bầm. Phân lỏng hoặc xanh đôi khi có dính máu. Khó thở, chết do ngạt thở, xác tím bầm, máu đông kém. Nếu bệnh kéo dài, viêm kết mạc mắt, tích sưng, khớp sưng đi lại khó khăn.
-         Bệnh tích (biểu hiện bên trong):
Tụ huyết ở các cơ quan nội tạng. Gan sưng có nốt hoại tử lấm tấm trắng. Bao tim tích nước, xuất huyết vành tim, có dịch nhầy trong khớp.
-         Biện pháp phòng trị:
+ Phòng bệnh
Vệ sinh sạch sẽ, giữ chuồng luôn khô ráo, thức ăn nước uống đảm bảo hợp vệ sinh, định kỳ sử dụng kháng sinh trộn thức ăn 3-5 ngày/lần.
Dùng vácxin phòng bệnh..
+ Điều trị: Có thể dùng các loại kháng sinh sau:
Tetracylin, Streptomycine, Coxsmix forte, Neotezol, Ampicillin, Enrofloxacin. Liều lượng và thời dùng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
4/Bệnh cầu trùng
- Đặc điểm chung: 
Bệnh do một loại ký sinh trùng đặc biệt gọi là cầu trùng có kích thước rất nhỏ gây nên. Chim mọi lứa tuôỉ đều mắc, nặng nhất là giai đoạn 2 - 8 tuần tuổi. bệnh xảy ra quanh năm nặng nhất vào vụ xuân hè khi thời tiết nóng ẩm. Chim nuôi nhốt chật chội, đệm lót chuồng ẩm ướt là điều kiện thụân lợi để bệnh bùng phát .
- Đường lây lan : Qua thức ăn, nước uống, chất độn chuồng .v.v. Noãn nang cầu trùng có sức đề kháng cao trong môi trường, có thể tồn tại hàng tháng trong điều kiện bình thường, khó bị tiêu diệt bằng các loại thuốc sát trùng, bị tiêu diệt chậm dưới ánh nắng mặt trời, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao 600C.
- Triệu chứng: Con vật ủ rũ bỏ ăn uống nhiều nước, phân lỏng, máu tươi hoặc có màu sôcôla sẫm. Chim con có thể chết hàng loạt nếu không điều trị kịp thời. Chim trưởng thành chậm lớn, chết rải rác kéo dài.
- Bệnh tích: 
Cầu trùng manh tràng thì manh tràng sưng to chứa đầy máu. Cầu trùng ruột non thì ruột non căng phồng bên trong chứa đầy dịch nhầy lẫn máu.
-         Biện pháp phòng trị:
+ Phòng bệnh: Đảm bảo các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Đặc biệt chú ý giữ cho lớp độn lót chuồng, sân chơi luôn khô ráo. Không nên nuôi chung chim các lứa tuổi, quét vôi để sát trùng nền chuồng trước khi đưa chim vào nuôi. Rắc vôi bột trước cửa chuồng, định kỳ dùng thuốc ức chế cầu trùng để phòng bệnh cho chim có thể sử dụng một số các loại thuốc sau: Octamit, Rigecoxcin. ESB3 .v.v. Sát trùng định kỳ 1 lần/tuần. Khi thời tiết ẩm ướt hoặc vào thời điểm có dịch bệnh gia cầm thì tăng cường 2 lần/tuần. 

+ Điều trị: Dùng các loại thuốc như trên với liều điều trị theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng kết hợp vitamin C, K và chất điện giải. Nhốt riêng những con bị bệnh nặng cho uống thuốc trực tiếp vào miệng sẽ nhanh khỏi. Thay độn chuồng mới, rắc vôi vào chỗ ẩm ướt.
Bệnh tiêu chảy, Ecoli: chủ yếu sảy ra sau quá trình vận chuyển hoặc môi trường nuôi không đảm bảo: Dùng Vaccin đặc trị Ecoli cho gia cầm tiêm hoặc cho uống (liều lượng bằng 2,5 lần hướng dẫn trên bao bì).

5. Bệnh về đường hô hấp:
 Biểu hiện: (hen phổi, nấm phổi) Chim có hiện tượng thở khò khè, chảy nước mũi, thở ngáp rồi chết. Nguyên nhân do thay đổi thời tiết, hoặc mật đồ nuôi dày. Cách trị: Dùng thuốc đặc trị hen của gà nhỏ trực tiếp với liều dùng bằng 2 lần hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Điều chỉnh lại mật độ nuôi, vệ sinh chuồng nuôi bằng thuốc khử trùng.
6. Bệnh đau mắt:
 Biểu hiện: Mắt chim có màng đục nhắm lại, 1 trong hai bên má sưng. Chim bị mù dẫn đến không thể tự ăn, uống được mà chết. Cách trị: Dùng thuốc nhỏ mắt của người nhỏ từ 3 – 5 giọt. Kết hợp với tiêm nếu phát hiện trong mắt có giun, sán.

Kỹ Thuật Chọn Giống Chim Trĩ

Dựa vào đặc điểm cơ thể để phân biệt chim trống , mái :
Ở cùng lứa tuổi Chim trĩ trống thường có ngoại hình lớn hơn chim trĩ mái . Lúc còn nhỏ rất khó phân biệt chủ yếu dựa vào cảm quan nghề nghiệp và một số biểu hiện nhỏ về sự khác biệt trong tập tính sinh hoạt và ngoại hình chim .Có thể phân biệt bằng mặt thường qua việc so sánh kích thước cở thể , chiều cao chân , hoặc lỗ huyệt. Khi bước vào thời kỳ 2 -3tháng tuổi chim trống có biểu hiện chuyển dần màu lông từ lâu nhạt sang màu đỏ pha ,lúc này trọng lượng và chiều dài cơ thể lớn hơn chim mái rõ rệt . Trên cổ chim trống hình thành tuyến lông màu đồng phía dưới là màu xanh lá cây hoặc màu tím sáng . Kế tiếp xuất hiện 1 vòng lông cổ màu trắng (thường gọi là Trĩ Đỏ Khoang Cổ Trắng) Lông đuôi có màu đỏ và màu hạt dẻ pha trộn với các vệt đen hoặc trắng nhạt .Trên má hình thành hai mào đỏ và hai chỏm lông sừng màu xanh thẫm . Chim Trống trưởng thành có thể nặng tới 1,5 – 2kg , lông đuôi có thể đạt 0,4 – 0,6m ,tùy theo chế độ chăm sóc và mật độ nuôi thả.Chim mái có kích thước nhỏ hơn chim trống . Sau khi thay lông ở thời kỳ 3-5 tháng tuổi chim mái sẽ ổn định ở bộ lông màu tối có những đốm đen ,pha lẫn màu hạt dẻ. Chim mái có đuôi ngắn hơn chim trống , trọng lượng bình quân của một chim mái trưởng thành khoảng 0,7 – 1,3kg/con

Trong môi trường tự nhiên một chim trĩ đực thường quàn lý và giao phối với rất nhiều chim mái . Với bản tính rất hăng về dục vọng 1 chim trĩ trống có thể đạp liên hồi nhiều chim trĩ mái trong một thời gian ngắn , Chúng tôi đã quan sát và ghi nhận lại có những thời điểm chỉ trong thời gian chưa đầy 5 phút một chim trĩ đực đã đạp lien hồi tới 4 lần / 3 chim mái .Với tốc độ và sự uy hiếp rất mạnh đối phương nên việc nuôi ghép 1 trĩ đực và 1 chim mái để sinh sản là điều tối kỵ, Chim mái sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái hoảng loạn , bị dập trứng , hoặc lồi Zoong (tuột hậu môn) đôi khi có vấn đề về tâm , sinh lý ảnh hưởng nghiêm trong đến thế hệ chim mới sinh ra, thậm trí làm cho chim mái bị dập trứng và chết . Tuy nhiên nuôi với tỷ lệ mái quá nhiều cũng không tốt cho chim trống và chất lượng phôi trứng . Qua nghiên cứu thực nghiệm Hội bảo tồn, nhân giống và phát triển Chim Quý Việt Nam - Chim trĩ F1 đã ổn định đàn chim bố mẹ sinh sản theo tỷ lệ 1 trống + 3 mái .

Việc nuôi chim trĩ đỏ ở thời kỳ còn nhỏ thường gặp một số khó khăn nhất định liên quan đến chế độ dinh dưỡng , điều kiện môi trường đặc biệt là khâu vận chuyển , Vì vậy những người mới nuôi hoặc chưa có kinh nghiệm nuôi trĩ đỏ nên hạn chế việc đầu tư mua con giống size nhỏ . Người mua nên chọn mua những cá thể chim ở thời kỳ 3 – 5 tháng tuổi hoặc chim hậu bị.
Chọn chim trống: có ngoại hình to, cao , đuôi dài , lông mượt , trường chim ,dáng khỏe mạnh, lanh lợi .Nếu ở thời kỳ trưởng thành chim trống luôn trong tư thế nghiêng mình sung trận
Chọn Chim mái: bầu chim , nở hậu , không dị hình , dị tật . Nên mua chim ở những cơ sở gây nuôi uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm để lựa được những cá thể chim khỏe mạnh , không bị đồng huyết , cũng như được tư vẫn về kỹ thuật gây nuôi .
Một điểm đáng lưu ý: hiện nay chim trĩ đỏ vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã nên việc gây nuôi vẫn phải có khai báo với chi cục kiểm lâm sở tại. Phần lớn các cở sở nhân giống tự phát trên cả nước hiện vẫn chưa được đăng ký gây nuôi, Đây cũng là một vấn đề khó khăn trong công tác quản lý đối với các cơ quan hữu quan cũng như việc vận chuyển , buôn bán cho các hộ dân . Bà con nên tìm đến các cơ sở gây nuôi được cấp phép để mua con giống với nguồn gốc hợp lệ.Tránh mua trôi nổi trên thị trường sẽ gặp phải không ít khó khăn trong khâu vận chuyển cũng như công tác nhân giống và tiêu thụ sản phẩm về sau.

Chăm sóc chim cảnh, chim trĩ đỏ theo mùa

1. Mùa xuân là mùa chim cảnh dễ bị nhiễm bệnh

Có nhiều loại chim do “nóng trong” nên phát bệnh. Nếu như gặp trường hợp này, ta có thể hái mầm liễu (ngọn liễu non) cho các loại chim ăn ngũ cốc và ăn tạp ăn, bắt nhện cho chim sâu ăn để “hạ hỏa” cho chim; cũng có thể giảm bớt khẩu phần ăn có mỡ và nhiều chất béo, đồng thời mỗi tuần cho chim uống một lần berberin (lấy ¼ viên berberin tức khoảnh 1g hòa với nước) cũng có thể làm cho chim đỡ nóng hơn. Ngoài ra vào mùa hè, ngoài việc chăm sóc, vệ sinh chuồng, thức ăn, nước uống và chống muỗi cắn cho chim, chúng ta nên thường xuyên cho các loại chim, chẳng hạn như chim ăn ngũ cốc, ăn rau răng ngựa (hay còn gọi là cỏ sống đời), kê tươi, và ngô tươi; cho chim ăn sâu, ăn nhện, dế, ve. Với cách này ta cũng có thể tăng cường sức đề kháng cho chim.

2. Cách chữa viêm tuyến nhờn ở chim

Phần đuôi chim có một tuyến nhờn – đó là nơi tiết ra chất dịch giúp chim làm mượt lông vũ. Tuyến này của chim bị thương, bị nhiễm trùng hay chim bị cảm nắng, cảm lạnh. Đều là những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tuyến nhờn ở chim. Những con chim bị mắc bệnh này thường tỏ ra mệt mỏi, lông vũ tả tơi, biếng ăn, tuyến nhờn đỏ tấy, mưng mủ. Khi phát hiện ra chim có bệnh, ta có thể chữa bằng cách sau:

- Dùng cồn iôt khử trùng tuyến nhờn.
- Dùng kim đã khử trùng đâm thủng tuyến nhờn, dùng tay bóp cho mủ ra hết (bóp khi nào nhìn thấy máu tươi là được)
- Bôi cồn iôt một lần nữa vào chỗ đau của chim.
Sau khi làm các động tác trên, ta nên cho chim vào nơi yên tĩnh, tránh nơi quá nóng hoặc quá lạnh, cho chim ăn thức ăn có chất bổ, sau một thời gian, chim sẽ khỏi bệnh.

3. Chữa các bệnh về chân cho chim

Chim nuôi trong lồng/chuồng, chân thường dễ bị vật nhọn cứa vào hoặc bị côn trùng cắn rồi nhiễm trùng, mưng mủ, sưng tấy, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại thư xương. Để ngăn chặn và phòng chống những bệnh này cho chim, ta nên thường xuyên khử trùng chuồng, đồng thời kiểm tra loại bỏ các vật cứng nhọn. Nếu chẳng may chim bị mắc bệnh, chúng ta phải dùng dao nhọn lấy mủ, sau đó dùng nước muối sinh lý (hay còn gọi là muối đẳng trương) hoặc dùng dung dịch thuốc tím 0,1% (pêmăngnát kali) rửa sạch vết thương, sau cùng bôi cồn iôt và thuốc chống nhiễm trùng là đuợc.

4. Diệt ký sinh trùng làm hại chim

Ký sinh trùng làm hại chim thường rất nhỏ, chúng bám vào lông và da chim, ăn dần lông, da, thậm chí hút cả máu chim. Để phòng ngừa ký sinh trùng cho chim, việc quan trọng nhất là ta phải thường xuyên giữ cho lồng/chuồng chim được sạch sẽ, khô ráo, đồng thời phát hiện sớm nếu chim bị ký sinh trùng xâm hại hoặc có rận. Khi làm vệ sinh lồng chim ta có thể nhúng lồng chim qua nước sôi già. Đối với nhũng chim bị ký sinh trùng, ta dùng nước pha với vài giọt dầu hỏa (dầu tây) rắc vào lông chim, đồng thời dùng bột băng phiến 20% rắc vào lông chim (phải xoa nhẹ để bột thấm sâu vào phía trong). Làm như vậy ta có thể tiêu diệt ký sinh làm hại chim.

5. Phòng chứng béo phì ở chim

Chim nhốt trong lồng/chuồng thời gian dài, ít vận động, lại ăn nhiều thức ăn có mỡ, nhiều chất đạm nên rất dễ dẫn đến chứng béo phì. Mắc chứng béo phì, chim trở nên chậm chạp, không hay nhảy nhót, ca múa, hô hấp khó khăn, có con trong khi nhảy nhót, đột ngột chết do lâu ngày không vận động. Để tránh tình trạng trên, ta nên cho chim ăn một cách khoa học. Đồng thời thường xuyên giúp chim vận động và cố kéo dài thời gian hoạt động cho chim.

6. Chữa bệnh dạ dày cho chim

Chim ăn phải thức ăn để lâu ngày, hay uống phải nước bẩn đều dẫn đến bị viêm dạ dày. Khi bị bệnh, lông chim tả tơi, thân hình gầy gò, thường tỏ ra ủ rũ, phân dính đặc, có màu vàng trắng, mùi hôi. Nếu không chữa trị kịp thợi chim sẽ chết. Bởi vậy để phòng cho chim khỏi bị bệnh viêm dạ dày, chúng ta phải thường xuyên chú ý giữ đồ ăn, thức uống của chịm sạch sẽ. Với nhũng con chim bị bệnh, cần nhốt chúng vào những nơi ấm áp, ít gió, mỗi ngày cho uống 0,2 đến 1mg thuốc kiết lị hòa với nước đường. Cho chim uống liền trong 3 ngày. Ngoài ra người ta còn cho vào trong thức ăn của chim một lượng bột than gỗ để bột than gỗ hút bớt chất độc trong dạ dày chim.

7. Chữa cảm và viêm phổi cho chim

Khí hậu thay đổi đột ngột hoặc sau khi tắm xong gặp phải gió mạnh, chim nuôi trong chuồng rất dễ bị cảm, lông vũ tả tơi, thở khò khè, ăn yếu dần, nước mũi chảy ra, có lúc toàn thân run lẩy bẩy. Số lượng chết do bị cảm và viêm phổi ở chim thường rất cao. Ta có thể chữa cho chim theo cách sau:

Kịp thời đưa chim vào nơi kín gió, ấm áp, nhưng thoáng đãng để tĩnh dưỡng.

Cho chim ăn thức ăn có nhiều dinh dưỡng.

Dùng bông thấm với dầu thầu dầu lau nước mũi cho chim.

Hòa nước đường (đường trắng) cho chim uống, đồng thời mỗi ngày cho chim uống 2 lần 2 – 3g thuốc Tetraxilin.